(Chinhphu.vn) – Ngành Xây dựng được đánh giá rất mạnh dạn trong tổ chức nghiên cứu, đầu tư, đổi mới và ứng dụng công nghệ, có những bước tiến vượt bậc được xã hội ghi nhận.
Ngày 24/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Bộ Xây dựng để khảo sát, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn trong ứng dụng và chuyển giao khoa học – công nghệ của các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu sự nghiệp của ngành.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác đã kiểm tra tình hình ứng dụng khoa học công nghệ tại Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Viện Khoa học công nghệ xây dựng.
Phó Thủ tướng đánh giá cao những sáng kiến đổi mới kỹ thuật, tinh thần quyết tâm đưa những ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới vào hoạt động sản xuất, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sản xuất và nghiên cứu ứng dụng. Phó Thủ tướng cũng biểu dương tinh thần tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm của cán bộ nghiên cứu, không để lãng phí nguồn nhân lực.
Cho đến nay, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ hoàn toàn nhiều công nghệ mới, có thể triển khai xây dựng các công trình dân dụng cao trên 30, 40 tầng, cùng nước ngoài xây dựng các công trình cao 60, 70 tầng, các cây cầu vượt có khẩu độ lớn, các công trình thủy điện, nhiệt điện, các nhà máy công nghiệp phức tạp.
Một ví dụ điển hình là công trình thủy điện Sơn La hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ đã hoàn thành sớm 2 năm và tiết kiệm cho Nhà nước 22.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong cho rằng, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có đội ngũ các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp xây dựng mạnh, với những kết quả và thành tựu ứng dụng khoa học – công nghệ nổi bật mà những nước có cùng mức thu nhập chưa làm được.
Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành
Qua khảo sát, Đoàn công tác Chính phủ nhận thấy, một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cản trở sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu là cách giao đề tài khoa học và thủ tục thanh toán đối với các đề tài còn rườm rà, phức tạp, tạo ra những rào cản không cần thiết giữa Nhà nước và nhà khoa học.
Do đó, về cơ chế tài chính đối với khoa học – công nghệ, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong kiến nghị Bộ Tài chính cần thay đổi theo hướng tăng định mức chi và giảm thiểu thủ tục hành chính khi chi.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đề nghị, để tháo gỡ vướng mắc cho lực lượng nghiên cứu, cần có sự thay đổi căn bản trong cơ chế tài chính và tư duy quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Bộ Xây dựng đã tổ chức xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ của toàn ngành có tầm nhìn đến năm 2020, song cần đẩy nhanh tiến độ hơn.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng cần định hướng cho các đơn vị để sớm khắc phục việc thiếu hụt cán bộ đầu đàn trong sản xuất và nghiên cứu khoa học ngành xây dựng. Cần xây dựng lại các quy định về định mức trong quản lý của ngành xây dựng, nhất là đối với các doanh nghiệp xây dựng có tốc độ phát triển nhanh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng trình Đề án sơ bộ về quy hoạch và xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành của ngành trước 15/8/2011.
Dự kiến, ngày 25/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ sẽ tiến hành khảo sát tình hình ứng dụng khoa học - công nghệ tại một số đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.