CHÍNH PHỦ QUYẾT CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH
CHÍNH PHỦ QUYẾT CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH
Ngày đăng: 23/05/2017
Lượt xem: 783

"Năm 2014 và những năm tới, Chính phủ sẽ có nhiều hành động cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp (DN) tất cả các thành phần kinh tế phát triển", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết như vậy tại "Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2014" vừa diễn ra ở Hà Nội.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Với tiềm năng dân số 90 triệu người và trong bối cảnh ASEAN sẽ trở thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng như nhiều hiệp định thương mại đa biên đang được đàm phán và thúc đẩy, Việt Nam đứng trước áp lực phải phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và sự bất ổn của các nền kinh tế quốc gia và toàn cầu.

Ông Chris Brown, Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh tại Việt Nam, khuyến cáo: "Nhu cầu phải có những phương thức tiếp cận sáng tạo hơn và đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế bền vững trở nên ngày một lớn".

Nhiều năm qua, Việt Nam đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển bền vững. Chính phủ đã ban hành các chính sách phát triển bền vững gắn kết với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, yêu cầu cũng như tiềm năng phát triển của Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với thực tế.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn nói: "Chúng ta cần quyết tâm nhìn vào những hạn chế, những bất cập kể cả ở tầm chính sách vĩ mô lẫn ở tầm điều hành quản trị DN, để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn". Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích cộng đồng DN triển khai sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững.

Cùng với việc khảo sát, công bố chỉ số cạnh tranh của các địa phương, gần đây Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số về cải cách hành chính ở các cơ quan nhà nước.

"Một việc Chính phủ đã bàn là khắc phục những công việc, những công đoạn còn làm cho DN tốn nhiều thời gian, tốn nhiều chi phí hơn mức cần thiết, làm cho các cơ hội kinh doanh có thể bị bỏ qua", Phó thủ tướng cho biết và khẳng định: "Những hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, được hoàn thiện nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất và bình đẳng cho các DN".

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho rằng: "Quan hệ đối tác giữa cộng đồng DN với chính phủ là cực kỳ quan trọng, để chính phủ đưa ra những chính sách cụ thể tạo điều kiện và khuyến khích DN đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững".

Việc tạo cơ chế phân bổ tài nguyên và nguồn lực bình đẳng, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát việc phân bổ tài nguyên và nguồn lực cũng sẽ được Chính phủ chú trọng. Những DN sử dụng hiệu quả nhất nguồn xã hội sẽ được ưu tiên và đây là phương thức để nguồn lực xã hội đến được với các thành phần kinh tế, không phân biệt quy mô.

Một điểm quan trọng nữa được đề cập tại Diễn đàn là động lực tinh thần và kinh tế cho DN. Trong kế hoạch phát triển, DN có thể có bước đi dài hơi, nhưng để đạt được mục đích mang tính chiến lược, thời gian phát triển phải ngắn hơn.

Theo Phó thủ tướng, đây là vấn đề Chính phủ và DN phải cùng đồng hành và chỉ như vậy, DN mới thực sự có động lực đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tiết kiệm, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam và thế giới.

Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Diễn đàn tập trung thảo luận các sáng kiến bền vững như là những mô hình kinh doanh mới, nổi bật là mô hình DN xã hội do Hội đồng Anh khởi xướng. Tuy nhiên, để tối ưu hóa ảnh hưởng tích cực của những mô hình sáng kiến xã hội, ông Chris Brown cho rằng: "Cần có sự nỗ lực chung sức của nhà nước, tư nhân và khối xã hội dân sự".

Hải Vân (DNSG)

Chia sẻ ngay:
0932 687 988